Trang thông tin điện tử Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Hòa Bình

Tăng cường thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết

05/05/2025
Share

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại siêu vi trùng có tên là Dengue gây ra. Đây là căn bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác nếu như bị muỗi vằn (có nhiều khoang trắng ở chân và lưng) mang mầm bệnh đốt. So với người lớn thì trẻ em là đối tượng dễ bị mắc bệnh hơn cả, đôi khi gây ra biến chứng nguy hiểm gọi là bệnh sốt xuất huyết nặng. Vì vậy, người dân cần tăng cường thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

 

 

Khi bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà (ảnh người dân khám tại phòng khám Truyền nhiễm BVĐK tỉnh)

 

Những năm gần đây, sốt xuất huyết Dengue tại Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp, thuộc tốp những nước có số ca mắc cao, phạm vi dịch lan rộng hơn trước. Hiện nay đang là thời điểm mùa dịch, dự báo số ca mắc có xu hướng gia tăng (đặc biệt vào trong và sau mùa mưa). Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho sốt xuất huyết/sốt xuất huyết nặng, nhưng phát hiện sớm và đến sớm các cơ sở y tế để được chăm sóc y tế đúng cách có thể làm giảm tỷ lệ tử vong xuống dưới 1%.

 

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, người dân nên áp dụng đồng loạt các biện pháp sau:

 

1. Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi

 

Nơi sinh sản của muỗi thường là các dụng cụ chứa nước trong và xung quanh nhà. Vì vậy, cần loại bỏ nơi sinh sản của muỗi bằng cách đổ nước bình hoa, úp các chum lọ không dùng đến, dọn sạch các dụng cụ có khả năng chứa nước đọng trong vườn và quanh nhà.

Ngoài ra, người dân còn có thể thả cá vào bình chứa nước, bể cảnh. Thường xuyên vệ sinh và đậy kín khay nước. Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi bằng cách vệ sinh sạch dụng cụ chứa nước.

 

2. Phòng chống muỗi đốt

 

Sau khi loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, cần áp dụng thêm các phương pháp phòng muỗi đốt như mặc quần áo dài tay, ngủ màn/ mùng kể cả ban ngày, dùng thuốc xịt muỗi, đốt nhang muỗi, thoa kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi. Các cửa sổ cần dùng rèm che. Cho người bệnh sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để hạn chế nguy cơ lây truyền bệnh cho người khác.

 

3. Phun hóa chất, vệ sinh môi trường

 

Phun thuốc diệt muỗi cần tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất và khuyến cáo Bộ Y tế. Tại nơi nhiều trẻ nhỏ, chỉ nên phun thuốc lên tường, hộc tủ, góc nhà không phun lên các bề mặt như bàn ghế, đồ chơi mà trẻ có thể dễ dàng tiếp xúc.

 

4. Tăng cường đề kháng phòng bệnh sốt xuất huyết

 

Hệ miễn dịch và sức đề kháng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của các tác nhân gây bệnh. Khi hệ miễn dịch suy giảm, cơ thể dễ mắc bệnh khiến bệnh có nguy cơ nặng hơn và khó phục hồi. Để tăng cường đề kháng cho cơ thể, có thể chủ động áp dụng thực hiện một số biện pháp sau như tập thể dục đều đặn, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc.

 

Khi bị sốt, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

 

Dấu hiệu sốt xuất huyết trở nặng cần đặc biệt quan tâm như:

- Bồn chồn, kích thích vật vã hoặc li bì;

- Nôn nhiều;

- Đau bụng hoặc tăng cảm giác đau;

- Tiểu ít, số lần đi ít hơn, số lượng giảm hơn;

- Chảy máu bất kỳ chỗ nào (chân răng, máu cam...).

 

Hãy chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết bằng những biện pháp đơn giản và hiệu quả dựa vào cộng đồng; bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình bằng cách tiêm vắc xin đầy đủ tại các cơ sở y tế uy tín..

Nguyễn Tuyết

Tin tức liên quan